NHỮNG MẪU CHUYỆN VỀ BÁC

          1. Những lời Bác dạy đầu tiên

Mùa thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tầu Đuy-mông Đuếc-vin. Tầu này là một chiếc tầu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ, tình hình ở trong nước đang căng thẳng ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để đượckéo dài những ngày chung sống với Bác.


Trên chuyến xe lửa từ Pa-ri đi Mác-xây, Bác nói:

Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam Bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào...

Lên tàu rồi, một hôm Bác dặn: Ở nhà không có gì đâu. Nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giầu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giầu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm.

Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm tên đại tá chỉ huy tàu tổ chức tập trận giữa biển cả mênh mông, tiếng súng đại bác, súng máy các loại thi nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung toé ngoài khơi. Trong chúng tôi, thoạt tiên cũng có người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng xem. Bác mỉm cười bảo chúng tôi: Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú. Các chú có sợ không?

Nhân đó Bác chỉ cho chúng tôi thấy bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng...

Tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác khen...

Vinh dự đó thuộc về anh em ngành quân giới, trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo dẫn dắt của Bác đã đóng góp một phần.

Những lời dạy của Bác như bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.

2. Phải quan tâm đến mọi người nhiều hơn

Hồi trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường. Xuống thăm nhà bếp, Bác thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: "Này, bế mạc, chứ không phải " bế bụng " đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm đấy, các chú ạ".

Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: "Thế Bác ăn với ai?". Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: "Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện…". Bác ngắt lời: "Không tiện gì cả. Thế ra các chú muốn cho Bác ăn trên ngồi trốc à?". Và Bác đòi phải bê các món ăn của cán bộ, nhân viên nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ, bảo mọi người: Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được? Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: "Bác Hồ sẽ huấn thị cho chúng ta". Bác cười mà bảo rằng: "Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có "huấn thị" gì đâu".

Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn täa đăng rất sáng. Khoảng 9-10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống văn phòng trường và bảo rằng: "Đèn này to, tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ. Các đồng chí đổi cho Bác chiếc đèn khác".

Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách hỏi Bác có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường. Người nói: "Tôi chỉ mong là các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm đến mọi người hơn".

          3. Đời Sống Của Nhân Dân Còn Quan Trọng Hơn

Năm 1951, hai nhà quay phim chiến sĩ miền Nam Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền được tham gia vào đoàn cán bộ miền Nam ra Việt Bắc.


        Đoàn đã được Bác Hồ tiếp thân mật  và tổ chức đón tiếp long trọng tại Văn phòng Chủ tịch nước. Riêng mấy anh em điện ảnh miền Nam còn được Bác mời đến trong một cuộc liên hoan lửa trại đầm ấm. Anh em đề nghị Bác cho phép ''quay'' một số cảnh làm việc, sinh hoạt của Bác. Bác đồng ý. Với chiếc máy quay phim ''cổ lỗ sĩ'' và một số mét phim ít ỏi, Lê Minh Hiền đã ghi được một số hình ảnh quý giá - cho đến ngày nay là vô giá - về Bác Hồ.

Đồng  chí Hiền  và đồng chí Đoàn vẫn còn áy náy là Bác mặc quần áo giản dị quá, sợ mang về miền Nam chiếu lên, đồng bào có thể là quá xúc động hoặc là chê trách người quay phim. Đồng chí Đoàn bàn với đồng chí Hiền là đề nghị Bác mặc bộ ka ki đại cán, kiểu Tôn Trung Sơn, bộ độc nhất của Bác để quay ''cho đẹp''.

Tưởng Bác đồng ý, nào ngờ Bác nói: Bác như thế đấy, có thế nào các chú cứ thế mà quay. ''Thua'' keo này, lại bày keo khác. Lâu lâu hai anh em lại ''xin'' Bác mặc đại cán ''cho''. Thấy các nghệ sĩ năn nỉ mãi, Bác cũng đành mặc ''cho'' đôi ba lần, những khi cần thiết… Tổ làm phim còn quay được một số cảnh Bác đánh máy chữ, trồng rau xanh, đi công tác lội suối, cưỡi ngựa. Anh em còn định xin quay một số cảnh nữa về đời sống hằng ngày của Bác.

Bác nói: Thôi! Đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của nhân dân.

4. Nước nóng, nước nguội

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sỹ. Đồng chí này đã từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ “đồng chí Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa.

Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

 Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

- Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hoà nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

5. Bát chè xẻ đôi

Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

    - Cháu ăn đi!

Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

    - Ăn đi, Bác cùng ăn...

Cám ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về. Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai anh lính thông tin:

    - Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

    - Khổ quá, anh ơi! Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn vừa rớt nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng mỏ rồi…

 6. Thời gian quý báu lắm

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Kể cũng hơi khó trả lời cho thật chính xác, bởi ở ta không có thói quen “tự bạch” và kín đáo, ý nhị vốn là một đặc điểm của lối ứng xử phương Đông.

Tuy nhiên, theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu?. Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời, hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

- Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác...

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

Ba năm sau, giữa thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân, cho đến tận phút lâm chung, vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

7. Giữ lời hứa

Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:

- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé! 

Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu. 

Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

- Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

8. Phê phán căn bệnh thành tích chủ nghĩa

 Tôi nhớ, năm 1961 Bác Hồ có dịp về thăm quê ở Nghệ An. Trước lúc Bác về tôi (Thiếu tướng Nguyễn Văn Xoàn) được cử đi tiền trạm. Tôi dặn các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An: Lần này Bác về thăm quê, các anh đừng làm những việc gì không cần thiết để Bác phật lòng, phương châm là tôn trọng, chu đáo nhưng phải tiết kiệm. Các đồng chí ở Tỉnh ủy Nghệ An không đồng ý, muốn làm lớn vì đã lâu Bác mới có dịp về thăm quê. Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một chiếc ô tô con, mui trần để đi đón Bác. Tôi bảo như vậy cũng được nhưng hình thức chiếc xe bình thường thôi. Các anh Tỉnh ủy “chơi nổi” lấy vải trắng kết xung quanh xe, rồi còn lót vải trắng trong xe…

 Bác xuống sân bay Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy niềm nở mời Bác lên xe đó. Bác nhìn chiếc xe rồi cười: “Mấy chú cứ ngồi chiếc xe này chứ Bác không ngồi đâu. Bác về là để cốt thăm quê hương, đồng bào chứ có là quan khách đâu mà các chú làm hình thức, tốn kém”. Nói đoạn, Bác đi đến chiếc xe đi đầu, mui trần của bảo vệ, bước lên ngồi cạnh anh tài xế. Sau phen ngơ ngác, anh em bảo vệ buộc phải ngồi trên chiếc xe bọc vải trắng. Dọc đường nhân dân đi đón Bác đều hướng mắt vào chiếc xe vải trắng nhưng chỉ thấy toàn cảnh vệ, chẳng thấy Bác đâu. Ít ai ngờ được rằng chính Bác lại ngồi ở chiếc xe bình thường của cảnh vệ đi đầu.

 Về đến nhà khách Tỉnh ủy, vừa trò chuyện Bác vừa nhìn ra con đường đi vào thấy có nhiều bông hoa rực rỡ nở đều trồng hai hàng ngay ngắn. Bất chợt Bác đi ra đường, dùng tay nhổ nhẹ một cánh hoa lay ơn. Tuyệt nhiên cánh hoa nhẹ bỗng, phía gốc không có một chiếc rễ nào. Gọi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến, Bác bảo: “Đây là một việc làm thiếu chân thực và lãng phí. Tưởng các chú trồng hoa thì hay, có lợi cho môi trường. Nào ngờ vì Bác vào thăm nên các chú phải mua bông này về trồng. “Trồng” hình thức nó sẽ chết. Đây là một căn bệnh phô trương hình thức. Đón Bác như thế này Bác không vừa lòng”. Các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An liền đồng thanh xin lỗi Bác và hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm.

 9. Bác có phải là vua đâu

 Bác Hồ là vị lãnh tụ của nhân dân, đ­ược nhân dân tin yêu, coi như­ ngọn cờ của toàn dân tộc. Nhưng Bác rất gần nhân dân và không cho phép mình đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ, một đặc quyền đặc lợi gì.



 Cuối năm 1961, Bác Hồ về quê h­ương Nghệ An thăm hỏi bà con xã Vĩnh Thành - nơi có phong trào điển hình về trồng cây. Bác đứng giữa nắng trưa nói chuyện với nhân dân khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Đồng chí Chủ tịch huyện thấy vậy cho tìm m­ượn đư­ợc chiếc ô, định dương lên che nắng cho Bác. Thấy vậy Bác quay lại hỏi: Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu?

 Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm th­ường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo: Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thư­ởng thức. Tư­ởng chuyện cũng sẽ qua đi, nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trư­ớc. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ý không bằng lòng: Bác có phải là vua đâu mà phải cúng tiến!


Rồi Ng­ười kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như­ Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nh­ưng nếu miếng ngon đó lại đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

 10. Bác Không Đến Thăm Những Gia Đình Như Gia Đình Cháu Thì Còn Thăm Ai.

Tết Nguyên Đán năm 1962, Bác dặn đồng chí Phan Văn Xoàn là người bảo vệ Bác từ năm 1955 đến 1969 tìm cho Bác thăm một gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô, nhưng không được để cho địa phương và gia đình đó biết trước. 

Sau khi Bác đi thăm và chúc tết một số gia đình công nhân, trí thức, các đồng chí bảo vệ đưa Bác đến thăm gia đình chị Tín là gia đình nghèo ở phố Hàng Chĩnh. Chị sống cảnh góa bụa, một mình nuôi bốn con nhỏ nên đời sống rất khó khăn. Đêm 30 Tết còn phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. 

Hôm ấy trời mưa phùn, giá lạnh, được Bác đến thăm bất ngờ, ngỡ như trong mơ, chị buông rơi đôi thùng gánh nước, ôm chầm lấy Bác, nước mắt tràn ra không nói nên lời. Bác cũng xúc động, rưng rưng khi biết năm mẹ con chị chỉ còn một lon gạo ăn Tết. Sau đó, Bác cho gọi các đồng chí có trách nhiệm của Thành phố Hà Nội đến phê bình và chỉ thị phải chăm lo cải thiện đời sống cho nhân dân; giải quyết ngay việc làm và trợ cấp khó khăn cho gia đình chị Tín. 

Sau chuyến thăm đó, Bác nói với chúng tôi: “Các chú thấy kiểm tra thực tế có cái lợi là làm cho mình thấy được sự thật”.

 

 

Nhận xét